Đi tìm suối nước nóng

P1000193

 

Đi tìm suối nước nóng

Buckeye

 

“ Đôi bàn chân khi sinh ra có nốt ruồi ẩn tướng, sẽ khiến cho cả thân hình đi chu du” Không biết câu tiên đoán của bà tôi thuở xưa có ứng nghiệm bây giờ không. Tội nghiệp chiếc Honda CRV chưa kịp giủ sạch bụi cát sa mạc tuần vừa qua, nhà tôi lại tuyên bố “ Tuần nầy đi tìm dòng suối nóng trong trí tưởng tượng của em”

Tôi là người đuổi theo gió cát sa mạc để đi tìm bóng ma của ngày tháng cũ. Lần trước khi tìm được suối nước nóng ở Benton, trong lòng vẫn chưa thỏa mãn. Con suối nước nóng tôi đọc trong sách vở vẽ ra cho tôi một bức tranh thiên nhiên mầu nhiệm. Bức tranh cho đến bây giờ vẫn nằm trong trí óc mà không chứa được trong đôi mắt nhìn.

Nhà tôi lại chuẩn bị các thứ, ngày vừa rạng, cùng với chiếc Honda, người bạn trung thành theo chúng tôi qua ngàn dặm từ Ngũ Đại Hồ về miền Viễn tây chưa hề mỏi mệt. Lần nầy sẽ vượt Sonora Pass theo CA 108 E phương đông thẳng tiến. So với Tioga Pass thì chỉ thua nhau chưa đầy trăm bộ chiều cao, nhưng độ khúc khuỷu không kém nhau. Chia tay với CA 120 E cửa ngỏ để vào Yosemite, hiện nay vẫn còn bốc khói trong vòng đai, trận hỏa hoạn đốt hơn hai trăm năm chục ngàn mẫu rừng cây cuả công viên quốc gia, theo CA 108 về hướng Sonora, thành phố dưới chân rặng núi Sierra, khói vẫn còn dầy đặc trong không khí, đoạn đường gần trăm dặm nầy sẽ mất hơn hai giờ lái xe, qua một vài làng mạc con số cư dân chưa đầy trăm người. càng lên cao, khói loãng ra, màu trời xanh ngắt, quanh co qua từng ngọn đồi, có khi tường chừng như mình đang bay trong không trung.

Bao nhiêu lần vượt qua rặng nuí Sierra, tôi vẫn không thể hình dung được con đường khó khăn cuả những đợt di dân sang miền Viễn Tây sau cuộc nội chiến Nam Bắc. Mùa đông trước, khi phải dùng dây xích gắn vào bánh xe, đối với chúng tôi đã là một bài học mới cho dù đã hơn ba mươi mùa đông sinh sống trong vùng Ngũ Đại Hồ tuyết trắng. Những con đường đi vào lịch sử với bao nhiêu nấm mồ, chiến đấu với thiên nhiên, chưa kể tranh giành đất sống cùng thổ dân bản địa. Các cuộc đánh nhau với những bộ lạc dân da đỏ, thêm tàn quân thổ phỉ cướp giật thường xuyên, luật pháp vẫn chưa được triệt để tuân hành. Đã vượt bao nhiêu dặm đường sa mạc nắng cháy, cuối cùng vẫn còn phải vượt qua rặng nuí cao trước khi bốn bề tuyết phủ để hoàn tất cuộc hành trình khai khẩn đất mưu sinh.

Suối nước nóng dọc theo rặng Sierra do dân da đỏ lang thang qua các vùng đồi núi chập chùng tìm thấy từ lâu. Họ là những người đầu tiên đến dùng suối nước nóng thiên nhiên để chửa bệnh trước khi dân da trắng mạo hiểm vào tìm vàng bạc trong lòng đất. Có nhiều mạch nước nóng đã được khai thác, nhưng cũng còn một số vẫn còn nằm trong vùng hẻo lánh ít người đến viếng.

Khi trở về từ Benton, chúng tôi đi ngược lại phía bắc cuả CA-395 ngang qua Bridgeport, tôi có nghe nhắc đến suối nước nóng ở đây, nhưng không biết chính xác nơi nào. Sau khi tra cứu, vẫn chưa xác định được vị trí, chỉ biết là nằm sâu trong cùng hoang vắng, và phải vượt qua một đoạn đường đất đá ghồ ghề tốt nhất là nên dung xe chạy cả bốn bánh [ ATV: All terain vihical or AWD: all weel drive ]. Chuyến đi nầy, mặc dù đã chuẩn bị bản đồ, thức ăn nước uống, nhưng vẫn không biết có tìm được dòng suối nóng hay đi không rồi lại về không, giống như mò kim dưới đáy biển! Trong vùng đồi chập chùng trước mắt, dòng suối nước nóng trong trí tưởng tượng cuả tôi đang lưu lạc phương nào?

Theo hướng Nam cuả CA-395 rẻ vào Buckeye Rd, con đường một chiều cheo leo chạy quanh co theo sườn đồi, có những đoạn rất nhỏ chỉ vừa một chiếc xe chạy qua, nhìn xuống mặt đường. thấy nhiều dấu vết bánh xe còn để lại, chúng tôi tự trấn an “ có dấu bánh xe lăn qua mặt cát, mình không phải là người đầu tiên đi vào độc đạo nầy”. Hỏi hai người thanh niên đang ăn trưa sau chiếc RV, họ cũng không biết suối nước nóng nơi nào. Càng vào sâu, đường càng xấu, nhìn thấy bên vệ đường một chiếc xe Jeep với toán người vai mang súng trường, mùa nầy họ đi săn thú gì ?

Chúng tôi như người ngậm ngải tìm trầm, đi tiếp cũng không biết sẽ đến đâu, trở về thì ấm ức, thật là tiến thoái lưỡng nan. Con đường không hứa hẹn, chỉ thấy bụi cát bay theo dấu bánh xe trước mặt chập chùng đồi núi.

– Anh có nghĩ là dưới chân ngọn đồi bên cánh trái đó không?

– Chiếc xe ngừng lại bãi đất trống đó phải có nguyên nhân. Không lẻ bên dưới dốc đá kia có hang động?

 

Chúng tôi dừng xe lại, tôi bước xuống đi về phía người phụ nữ đang mở cửa xe bước ra.

– Chào bà, tôi đang đi tìm suối nước nóng Buckeye trong vùng núi nầy, bà có biết con suối nào nằm gần đâu không ?

– Bà đến nơi rồi đó, phía dưới dốc đá nầy, đường trơn và dốc, phải cẩn thận nếu bà muốn xuống đó.

– Cảm ơn bà, tôi sẽ cố gắng trèo xuống .

Nhìn xuống con dốc thắng đứng lởm chởm đá, dòng nước trong vắt không có dấu hiệu gì khác lạ hơn những con suối mát trong Yosemite, nhưng đã đến dây thì phải đi cho đến đích.Trờ lại xe, chúng tôi chuẩn bị nước uống và giầy trèo núi. Nhìn người phụ nữ đã đi trước chúng tôi một đọan xa, bà chắn hẳn đã quen thuộc nơi nầy. Qua khỏi con dốc, một đoạn đường cỏ bùn lầy lội, con suối nầy vào đầu mùa xuân khi tuyết tan nước chảy xiết và mực nước cao còn để lại dấu vết in trên đá hai bên bờ

Sau khi trèo qua khỏi tảng đá nhô, bây giờ chúng tôi mới thấy bên cạnh con suối kia còn có mấy đầm nước nhỏ khác nằm sâu bên trong, che khuất bởi các mô đá, đang có mấy người đang ngâm mình. Ngược lên nguồn nước chảy, phía trên vũng nước đọng lại qua khe đá, từng làn khói mỏng đang bốc lên, bọt nước nóng to như mắt cua lăng tăng. Chúng tôi nhìn nhau “ Đích thị, lần nầy thì chúng tôi đã hoàn tất được chuyến đi như ý muốn”

Nhìn dòng nước mát trong veo, nhớ lại thuở nhỏ trưa hè theo chúng bạn ra sông vủng vẫy, nhà tôi vốn yêu sông nước nên đã không ngại ngần trầm mình xuống suối. Hai dòng nước một bên trong suốt do tuyết từ đỉnh núi Sierra tan ra chảy xuống, nhiệt độ chừng 50F, ngược lại với dòng nước ngã màu rong rêu từ lòng đất chảy ra nhiệt độ có thể cao đến 145F. Buckeye là suối nước nóng đầu tiên chúng tôi tìm ra giữa thiên nhiên và có cả hai luồng nước nóng lạnh nằm kề bên nhau.

Lần trước khi đến Grover Hotspring tìm được mạch nước nóng đã được State Park khai thác, khung cảnh vẫn còn thiên nhiên vì nằm trong thung lũng, giữa rừng thông, nhưng nước đuợc chứa lại trong hồ và giảm nhiệt độ xuống 102F – 104F .

Thiên nhiên thật là kỳ diệu, nước là một trong những thứ không thể thiếu được trong cuộc sống con người, nhưng cũng là sức mạnh tàn phá qua các cơn mưa bão lụt lội kinh khiếp.

Nước bốc hơi, gặp lạnh đông lại thành tuyết trắng, tan theo sức nóng mặt trời, biến thành thác suối, hoặc thấm xuống lòng đất được đun nóng lên tiếp tục len lỏi qua các mạch đá để thoát ra trên mặt đất thành Suối nước nóng, bộc hơi, tái lập chu kỳ.

Travertine

Sau khi rời khỏi suối Buckeye, theo lời chỉ dẫn cuả người phụ nữ mới gặp, chúng tôi nhắm hướng Bridgeport thẳng tiến

So với Buckeye thì Travertine là suối nước nóng dễ tìm và gần với thành phố Bridgeport hơn. Theo hướng nam cuả CA – 395 , vừa qua Bridgeport chừng nửa dặm, rẻ trái ở đường Jack Sawyer Road đi một đoạn ngắn đường đất sẽ đến nơi.

Travertine nằm trên một khe nứt giống như đường sống lưng con ruà, nước nóng chảy xuống những đầm bùn cạn, đây là con suối chưa được khai thác . Nước trong đầm nóng khoảng 104F, mùi khoáng chất rất nồng và màu nước không trong như Buckeye .

Cả hai con suối Buckeye và Travertine hãy còn giữa thiên nhiên, cho nên cũng có nhiều người tắm khoả thân rất tự nhiên. Có thể là chúng tôi đến vào những ngày trong tuần cho nên ít người đến ngâm.

Chuyến đi tưởng đã về không , chẳng những tìm ra Buckeye mà còn lời thêm Travertine . cảm ơn người bạn đường đã cùng tôi đuổi theo những giấc mơ không tưởng.

 

Vũ Thị Thiên Thư